Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm
2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng
Chính phủ đã xác định quan điểm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động
đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của
chuyển đổi số.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của
Thủ tướng Chính phủ xác định rõ giải pháp tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ
CNSCĐ) đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các
thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến
hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in
Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.
Thực hiện chủ trương nêu trên, các năm qua, các địa phương đã tích cực,
nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển
khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Cụ thể:
Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân
phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên,
trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng
04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban
chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ
số là lực lượng nòng cốt.

Hình minh họa:
nguồn internet
Các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng
dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng
dịch vụ công trực tuyến; (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4)
Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của
địa phương.
Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của
người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc
chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc
gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người
dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc
gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng
khám chữa bệnh từ xa... Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo
về công tác chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là
người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời, làm tiền đề cho những
kết quả đột phá về chuyển đổi số trong tương lai.
Phạm Tuyển