Kế hoạch phát triển Thương mại, Dịch vụ, Du lịch giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn huyện Tân Phú
1/ Hiện trạng
Tân Phú là một huyện miền núi, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 33,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mạng lưới thương mại phát triển rộng khắp từ trung tâm huyện cho đến các xã vùng sâu vùng xa, cung cấp đầy đủ các mặc hàng thiết yếu cho người dân.
Số cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2010 là: 5.511 cơ sở. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ hàng năm đạt 1.424 tỷ đồng, có 12 chợ đang hoạt động, trong đó có 4 chợ đã và đang được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn gồm: Chợ Phương Lâm, chợ Phú Lập, chợ Nam Cát Tiên, chợ km 142 xã Phú An. Về cung ứng xăng dầu: có 21 điểm cung ứng và kinh doanh xăng dầu đã đầu tư và đi vào hoạt động (phê duyệt qui hoạch là 31 điểm). Ngoài ra còn có 01 HTX thương mại dịch vụ; 01 HTX Dịch vụ vận tải, và 140 cơ sở lưu trú (gồm 01 khách sạn, 03 nhà nghỉ, còn lại là nhà trọ), có 13 nhà hàng, quán ăn, Trạm dừng xe tại xã Phú Sơn có quy mô 3,3ha do Công ty Tín Nghĩa đầu tư đã đi vào khai thác, sử dụng.
Trên địa bàn huyện có nhiều khu vực, điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trung tâm sinh hoạt truyền thống thanh nhiếu niên tỉnh Đồng Nai, Khu du lịch Suối Mơ đang được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 30ha, Nhà văn hóa các dân tộc tại xã Tà Lài và Khu Di tích lịch sử Nhà ngục Tà Lài. Đồng thời khu ấp 4 xã Tà Lài còn có nghề dệt Thổ cẩm của đồng bào Châu Mạ đang được UBND tỉnh quan tâm đầu tư để khôi phục và phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc, gắn với việc lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống.
2/ Mục tiêu chung
Phấn đấu đưa ngành Thương mại; Du lịch; Dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế GDP, cùng với phát triển công nghiệp góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Phát triển ngành thương mại, dịch vụ đồng bộ gắn kết với phát triển du lịch trên cơ sở phát triển bền vững. Khai thác hợp lý và hiệu quả các khu du lịch, đồng thời với việc phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Hoàn thiện, bổ sung quy hoạch các ngành thương mại, du lịch phục vụ cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách đầu tư và quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đạt hiệu quả cao phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện theo từng thời kỳ.
3/ Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Phấn đấu đến 2015 tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế của huyện
- Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14,8 %.
- Tổng mức bán lẻ hàng năm tăng khoảng 20%.
- Số cơ sở kinh doanh dự kiến đến năm 2015 khoảng 6550 cơ sở.
a/ Về Thương mại – Dịch vụ
Tập trung nguồn lực của huyện, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, kêu gọi đầu tư xây dựng mạng lưới chợ theo quy hoạch, trước mắt tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng chợ Trung tâm thị trấn Tân Phú, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các chợ Trung tâm xã của các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu Thương mại dịch vụ và tái định cư 55ha tại thị trấn Tân Phú, để phục vụ cho khu công nghiệp của huyện.
Đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới cung ứng xăng dầu trên địa bàn huyện theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Phát triển mở rộng các hoạt động cung ứng vật tư phục vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân vùng sâu, vùng xa góp phần vào việc bình ổn giá trên địa bàn huyện.
Bố trí sắp xếp các gian hàng kinh doanh trong các chợ khoa học hợp lý, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ. Thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì để đảm bảo tuổi thọ công trình. Xây dựng các mô hình quản lý chợ tiên tiến, văn minh.
b/ Về Du lịch
Phát huy lợi thế nằm trên trục Thành phố HCM – Đà Lạt cùng với điều kiện tự nhiên, địa lý của huyện. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch của tỉnh và các đơn vị quản lý, khai thác du lịch trong và ngoài tỉnh hình thành xây dựng các loại hình du lịch sinh thái; kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng.
Gắn kết các điểm du lịch, và thương mại dịch vụ trên địa bàn gồm: Trạm dừng chân nghỉ dưỡng xã Phú Sơn, Khu du lịch Thác Hòa Bình - Chùa Linh Phú; Khu Du lịch Suối mơ; Vườn Quốc gia Cát tiên…thành các tour du lịch phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, Internet về các khu du lịch trên địa bàn huyện để thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch của tỉnh để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện Tân Phú nhằm kêu gọi đầu tư.
Phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên xây dựng ấp 4 (vùng đồng bào dân tộc) hình thành tour du lịch phục vụ khách tham quan du lịch về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc của huyện Tân Phú, phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn kết với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống thanh thiếu niên. Có kế hoạch lưu giữ, phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể, các ngành nghề truyền thống nhằm thu hút khách thăm quan du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu.
Tranh thủ sự đầu tư hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển đề án du lịch sinh thái cộng đồng của vườn Quốc gia Cát Tiên, xây dựng khu đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số ấp 4 xã Tà Lài trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tới tham quan du lịch và nghiên cứu. Có kế hoạch mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời gian tới.
Đôn đốc Công ty Phú Lạc khẩn trương thi công hoàn thành Khu Du lịch Suối mơ đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2012. Hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai; Sở Văn hóa TT-DL công nhận quần thể Thác Hòa Bình – Chùa Linh Phú là Di tích danh thắng cấp tỉnh để có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, khai thác trong thời gian tới.