Huyện Tân Phú được biết đến là là một huyện miền núi với diện tích trồng
chuối cấy mô lơn trong tỉnh có nhiều địa phương hình thành được những vùng
chuyên canh trồng chuối xuất khẩu với diện tích lớn.
Với giống chuối già cấy mô phục vụ cho thị trường xuất khẩu lên ngôi
trong những năm gần đây, nhưng nhiều địa phương (xã Trà Cổ, Phú Thịnh, Phú Lộc…)
vẫn giữ được những vùng chuyên trồng các giống chuối bản địa như: chuối bơm,
chuối sứ, chuối cau, chà bột…
Trong đó, những vùng trồng cây chuối bản địa lâu đời, nổi tiếng về chất
lượng chuối ngon phải kể đến những vùng đồi đá ở các xã Trà Cổ, xã Phú Lộc. Đây
cũng là những nơi có sản phẩm nổi tiếng về chất lượng chuối ngon.
Theo nông dân trồng chuối ở các vùng đồi đá, chuối vốn là cây trồng phụ
nên dù nó phù hợp với nhiều chất đất khác nhau nhưng thường được trồng nhiều ở
các vùng đồi đá khó canh tác, thiếu nước tưới vào mùa khô nên khá kén cây trồng.

Chuối sứ trồng trên đồi đá ở xã Trà Cổ.
Với nông dân vùng đất đá, trồng cây chuối rất đơn giản, chỉ cần có chỗ
nào có thể moi được 1 hốc đất đặt cây chuối giống xuống là nó tự bám rễ vào đá và
vươn lên, cây sẽ tự lớn mà không cần sự chăm sóc quá tỉ mỉ.
Chính vì vậy, ngay cả những đồi đá cheo leo với đá ong, đá mồ côi xếp tầng
xếp lớp kín mặt đất, có khi nông dân phải cạy đá để đặt cây chuối giống xuống vẫn
được phủ xanh bởi màu lá chuối. Vườn chuối không quá tốn công chăm sóc, 1 vụ trồng,
nông dân chỉ bón phân 1 - 2 đợt và hầu như không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực
vật trị sâu bệnh.
Cây chuối trồng cả năm mới cho thu hoạch nhưng trồng 1 lứa đầu là cây
chuối tự sinh sôi cho thêm nhiều lứa cây mới. Nông dân có vườn chuối là thu hoạch
quanh năm, không lo thiếu tiền chợ và chi tiêu hàng sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nông dân trồng chuối ở xã xã Trà Cổ, vùng đồi
đá rất phù hợp cho cây chuối phát triển. Nhìn đồi đá ngổn ngang nhưng cây chuối
vẫn phát triển xanh tươi vì dù ban ngày nắng nóng nhưng đến đêm đá ra “mồ hôi rỉ
nước” nên rất mát. Trong khi đó, đất đồi đá giúp thoát nước tốt, đất khô ráo
nên nấm bệnh ít phát triển hơn so với các vùng đất bằng phẳng khác. Trái chuối
trồng trên đất đá cho vỏ mỏng, vị thơm ngon, đậm đà hơn hẳn so với các vùng đất
màu mỡ khác. Ở vùng đất đá, cây chuối dựa vào nguồn nước trời để vươn lên, khi
cần tưới, nguồn nước từ các giếng khoan cũng ngọt mát, trong lành chứ không bị
nhiễm phèn, nhiễm bẩn cũng góp phần cho chất lượng trái chuối thêm ngon.
Vào những tháng cuối năm, các loại chuối sứ, chuối bơm thường khá hút
hàng vì đây cũng là mùa chế biến các loại chuối hồng, chuối sấy giòn, chuối sấy
dẻo. Càng đến những tuần cận Tết Nguyên đán, các vựa trái cây chuyên kinh
doanh các loại chuối bản địa như chuối sứ, chuối chà bột, chuối bơm… trên đại bàn
huyện càng nhộn nhịp hoạt động mua, bán và giá chuối cũng tăng lên từng tuần.
Ông Lâm cho biết: “Khi giá thấp, chuối bơm bán tại vườn chỉ hơn 1 ngàn
đồng/kg, khi giá tốt bán được từ 4,5-5 ngàn đồng/kg; chuối sứ bình thường có
giá từ 7-8 ngàn đồng/kg, cận Tết Nguyên đán bán được từ 25 ngàn đồng/kg trở lên
vì loại chuối này người dân chọn chưng ngày Tết, vừa là nguyên liệu chế biến được
những món đặc sản thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
Cây chuối có sức sống mãnh liệt, ngay cả mùa nắng, nguồn nước khan hiếm
hơn, cây chuối mọc trên đồi đá nhìn xác xơ nhưng vẫn cho những buồng trái ngọt
ngon. Chuối trồng ở các đồi đá cho chất lượng thơm ngon, đậm đà nên được
thị trường ưa chuộng hơn các vùng đất khác. Chuối tuyển được đưa về tiêu
thụ tại các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, nhiều thương
lái đóng hàng đi máy bay đưa về Hà Nội và các tỉnh miền trung tiêu thụ. Chính
vì vậy, chuối trồng ở các vùng đồi đá thường bán cao hơn từ 1 đến 2 ngàn đồng/kg
so với các vùng trồng khác.
Theo các vựa trái cây chuyên mua chuối trên địa bàn huyện, thị trường
chuối trong nước cũng có lúc tăng, lúc giảm nhưng không bao giờ lo thiếu đầu
ra. Ngày thường, lượng chuối các vựa tiêu thụ khoảng vài tấn/vựa/ngày thì
tháng cuối năm, sản lượng tiêu thụ có thể tăng lên gấp đôi, gấp 3 lần so với những
tháng khác trong năm. Giá chuối bán ra, nhất là mặt hàng chuối sứ tăng rất cao,
có thời điểm lên đến gần 30 ngàn đồng/kg, gấp nhiều lần giá bán ngày thường.

Hoa chuối chứa một kho chất dinh dưỡng được chế biến thành những món ăn ngon
Trồng giống chuối cấy mô xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường
Trung Quốc nên khá bấp bênh, khi thì trúng lớn nhưng có khi thua lỗ. Với các giống
chuối truyền thống là món ăn quen thuộc của người dân nên lúc nào cũng có thị
trường. Trên thị trường món đặc sản được du khách ưa chuộng nhất là món chuối sứ
sấy còn nguyên lớp vỏ lụa mà người địa phương quen gọi chuối hồng sấy dẻo. Nét
đặc biệt của món này khi chế biến, người làm chỉ tước một lớp vỏ dai, mỏng bên
ngoài và vẫn giữ nguyên lớp vỏ lụa của trái, ngay sát phần thịt chuối. Các sản
phẩm này không chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi nước
ngoài.
Ngoài bán trái, các bộ phận còn lại của những giống chuối bản địa trồng
ở các vùng đồi đá ở huyện Tân Phú đều sử dụng được. Đặc biệt là cây chuối hột,
chuối sứ, lá chuối dùng để gói giò lụa, gói nem chua và nhiều món ăn truyền thống
khác. Bắp chuối cũng là món đặc sản rất hút hàng các bữa ăn hàng ngày và cả
trong những món lẩu, món canh chua, món bún mộc… của các quán ăn, nhà hàng.
Hoang Phuong