Thời gian qua, người dân Việt Nam thường xuyên phải đối mặt
với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến), các đối tượng lừa đảo tìm mọi
cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn
tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng
tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng
không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu
tư… và mục tiêu cuối cùng của các đối tượng nhằm đến là tài chính.
Nhằm cung cấp tư liệu cho các đơn vị và cơ quan báo chí, hướng
tới việc lan tỏa thông điệp rộng rãi tới mọi đối tượng trên không gian mạng. Cục
An toàn thông tin đã phát hành giới thiệu Cẩm nang “Kỹ năng nhận diện và phòng
chống lừa đảo trực tuyến”. Trong đó, tập trung phổ biến các kiến thức kỹ năng
nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến
thức cho người dân.
Kỹ năng bảo vệ là việc xây dựng nền tảng kiến thức kiên cố với
những “nguyên tắc vàng” để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi lừa đảo trực tuyến.
Bằng cách ghi nhớ và chia sẻ những nguyên tắc dưới đây, bạn có thể xây dựng một
hàng rào bảo vệ vững chắc cho bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng trước các
mối đe dọa lừa đảo trực tuyến. Dưới đây là các kỹ năng nâng cao giúp bạn phòng
tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến hiệu quả.

Người dân cần cẩn thận trước các trường hợp thông tin
lạ, khẩn cấp, yêu cầu chuyển tiền…
1. Hãy chậm lại: Những đối tượng lừa đảo thường tạo ra cảm
giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Những cuộc gọi,
tin nhắn... thúc giục phải hành động nhanh như: thời gian khuyến mãi đã hết; nếu
không chuyển tiền bây giờ bạn và người thân phải thực hiện các thủ tục tố tụng...
Trong tình huống này, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ và đặt câu hỏi tìm hiểu
kỹ nội dung, thông tin để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
2. Kiểm tra tại chỗ: Tìm hiểu thêm để xác thực thông tin bạn
đang nhận được. Nếu bạn nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số
ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.
3. Dừng lại, không gửi: Không một cá nhân hoặc cơ quan nào
yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch không đáng
tin, hãy dừng lại vì có thể đây là dấu hiệu lừa đảo.
Do đó, người dân cần cảnh giác và cập nhật các kỹ năng bảo vệ
nhằm phòng tránh đối với lừa đảo trực tuyến như trên để xử lý khi tham gia trên
môi trường mạng xã hội. Trường hợp cần thiết báo ngay cơ quan chức năng để được
hỗ trợ kịp thời.
Phạm Tuyển